THAM LUẬN CỦA HỘI IN TP.HCM

Tham luận của Hội in Tp. Hồ Chí Minh tại hội thảo “Doanh nghiệp đóng góp hoàn thiện chính sách đối với hoạt động in”

11:06 Sáng – 22/10/2014

THAM LUẬN HỘI IN TP. HỒ CHÍ MINH TẠI HỘI THẢO

“CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG IN – NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ”

 

Thay mặt Hội in TP. Hồ Chí Minh, tôi xin gửi tới cuộc Hội thảo này những ý kiến tập trung vào vấn đề thủ tục hành chính áp đặt cho các doanh nghiệp ngành in.

Tôi xin được viết tắt là NĐ 60 đối với Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ “Quy định về hoạt động in” và Dự thảo TT hướng dẫn đối với Dự thảo Thông Tư “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ Quy định về hoạt động in”.

Có một nghịch lý là trong khi Việt Nam chúng ta cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài là sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài. (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy trong cuộc tiếp lãnh đạo tập đoàn Keangnam tại Hàn Quốc ngày 1/10) và trong khi Luật DN sửa đổi đang được thảo luận sôi nổi tại Quốc Hội theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư và phát triển kinh doanh, thì thật nản lòng khi NĐ 60 của Chính phủ lại đưa ra những quy định thắt chặt, ràng buộc tối đa hoạt động của doanh nghiệp ngành in.

Thật vậy, vừa nghiên cứu xong NĐ 60, tôi có cảm giác ngỡ ngàng vì không thể hiểu nổi vì sao ngành in lại bị áp đặt những thủ tục khó khăn đến như thế.

Trước hết, đó là hàng loạt giấy phép, giấy chứng nhận (biến tướng của giấy phép con) mà doanh nghiệp in phải thực hiện khi xin cấp giấy phép hoạt động in: giấy chứng nhận (gcn) sở hữu thiết bị in, gcn có mặt bằng sản xuất ngoài khu dân cư, gcn bảo vệ môi trường, giấy tờ chứng minh là người VN (!), gcn có trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật in (xem Điều 11: Điều kiện giấy tờ chứng minh hoạt động của cơ sở in). Trong đó, vô lý nhất là gcn có trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật in. Dẫu cho một người có trình độ tiến sĩ khoa học cơ khí, vũ trụ… cũng không đủ tiêu chuẩn để làm người đứng đầu một nhà in? May thay, người ta có thể thay Bằng Cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật in bằng Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in do Cục XB, in và phát hành cấp (Điều 3, khoản 1, Dự thảo TT hướng dẫn thi hành NĐ 60). Nhưng điều này lại khiến cho người ta thắc mắc: bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in gồm những nội dung gì, thời gian bao lâu, ai giảng dạy mà lại có giá trị ngang với Bằng cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật in. Hơn nữa, tại sao chỉ có Cục xuất bản, in và phát hành mới có cái quyền cấp giấy chứng nhận này, còn những trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành in thì không?

Chúng ta có thể thấy rõ một đống giấy tờ cần phải làm khi xin cấp giấy phép hoạt động in ở các Điều 5, 6, 7 Dự thảo TT hướng dẫn thi hành NĐ 60.

Đó là những thủ tục hành chính khi xin giấy phép hoạt động in. Còn những thủ tục nhận chế bản, in, gia công sau in mà nhà in hàng ngày, hàng giờ phải làm cũng rắc rối và phiền phức không kém: cụ thể, sau khi thỏa thuận hợp đồng in hoặc nhận đặt in bao gồm những nội dung như tư cách pháp nhân 2 bên, quy cách, số lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn… nhà in yêu cầu người đặt in phải xuất trình chứng minh nhân dân và nộp bản sao CMND (kể cả in những giấy tờ cá nhân như danh thiếp, thiệp cưới, thiệp mời…), đồng thời xuất trình bổ sung những giấy tờ mà chỉ có đọc trong NĐ 60 mới có thể biết chứ không thể nhớ hết được: giấy phép hoạt động báo chí; giấy phép xuất bản bản tin; giấy đồng ý đặt chế bản in, gia công sau in của cơ quan có thẩm quyền ban hành mẫu, biểu mẫu; của cơ quan ban hành loại thẻ; của tổ chức ban hành tem chống giả; giấy chứng nhận ngành, nghề phù hợp khi đặt in bao bi, nhãn (trong khi Quốc Hội đang dự kiến sẽ loại bỏ việc ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp); giấy tờ số đăng ký dược phẩm, hóa dược, v.v… Chỉ cần thiếu một thứ giấy tờ nào đó thì bị coi là vi phạm và bị phạt.

Thủ tục nhận chế bản, in, gia công sau in đến như vậy vẫn chưa xong, nhà in còn phải tiếp tục 2 thủ tục nữa: đó là ghi chép vào Sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm và tự kiểm tra nội dung đặt in xem có vi phạm “những hành vi bị nghiêm cấm hay không” theo Điều 9, NĐ 60.

Sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm trước đây rất rườm rà, nay được cải tiến khá hơn (ban hành kèm theo Dự thảo TT hướng dẫn) tuy nhiên vẫn phải mất rất nhiều thời gian ghi chép.Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà in đều không ghi chép đầy đủ các yêu cầu vì với số lượng hàng trăm ấn phẩm mà phải ghi ra: số CMND, ngày và nơi cấp, địa chỉ thường trú, khổ, số trang, số lượng, hợp đồng số, hóa đơn giao hàng, ngày giao hàng… trong khi có ấn phẩm còn dở dang, có ấn phẩm đang giao hàng nhưng chưa ra hóa đơn, có ấn phẩm mới vừa giao hàng xong, có ấn phẩm giao cả chục đợt mới xong… và do đó đều bị phạt vì vi phạm ghi chép. Tôi khẳng định trong thời gian vừa qua hầu hết các nhà in tại thành phố Hồ Chí Minh đều đã bị phạt do không ghi chép đầy đủ Sổ ghi chép, theo dỏi ấn phẩm.

Điều đáng lo ngại nhất đối với các nhà in là không biết được những nội dung của ấn phẩm mà nhà in nhận chế bản, in, gia công sau in có vi phạm “Những hành vi bị nghiêm cấm” tại các điểm b, c, d của khoản 1, Điều 9 NĐ 60 hay không. Làm sao nhà in biết được ấn phẩm tiết lộ bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; xuyên tạc sự thật lịch sử; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan;..Phải mất bao nhiêu thời gian và trình độ nhân viên nhà in đến mức nào để mà rà soát và phát hiên ra những bí mật đời tư, lối sống dâm ô, mê tín dị đoan,…Quy định như vậy có phải quá khắc khe và triệt buột các nhà chế bản, in và gia công sau in?

Thủ tục làm báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm cũng không hợp lý. Dự thảo TT hướng dẫn quy định hạn chót nộp báo cáo cho Sở Thông tin và Truyền thông là ngày 5/7 và 5/1.

Đây là 2 thời điểm quá sớm để doanh nghiệp tổng hợp số liệu và hoàn toàn chưa có số liệu quyết toán quý và năm. Tất cả số liệu nếu có đều là ước tính hoặc “vẽ” ra, không có độ tin cậy cao. Những số liệu như vậy liệu có giúp ích gì cho công tác quản lý ngành một cách khoa học? Đến lượt Sở Thông tin và Truyền thông, trong thời hạn 5 ngày, hạn chót là ngày 10/7 và 10/1, phải tổng hợp số liệu từ các nhà in và nộp báo cáo cho Cục. Liệu Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý hơn 1000 cơ sở chế bản, in, gia công sau in có làm xuể và bảo đảm chất lượng báo cáo tổng hợp trong một thời gian quá ngắn với mớ số liệu ảo? Do đó, chúng tôi nghĩ rằng thời điểm quy định nộp báo cáo là bất hợp lý và làm báo cáo như vậy chỉ mang tính hình thức.

Tại thành phố Hồ Chí Minh nghề gia công sau in thường được quen gọi là nghề đóng xén. Đây là một nghề mang tính chất bình dân, phổ thông đại chúng, được người dân hành nghề tại nhà, nhất là đồng bào người Hoa. Những chiếc máy cắt, máy đóng, máy bế,…được sử dụng để làm sổ, sách, lịch, hộp,..tại nhà có thể nhìn thấy nhan nhản ở khu vực Chợ Lớn, quận 11, quận Tân Bình… Nay NĐ 60 đưa các hộ này vào diện quản lý giong như nhà in, nghĩa là phải thực hiện tất cả những thủ tuc hành chính như trình bày ở trên, theo chúng tôi là điều bất hợp lý và không khả thi.

Hội in TP. Hồ Chí Minh đề đạt nguyện vọng đến Quốc hội, Chính phủ là hãy xem ngành in là một công nghiệp và cho ngành in được thụ hưởng những thành quả của cải cách hành chính, cũng như những tinh thần cởi mở, thông thoáng cho các doanh nghiệp mà Luật Doanh Nghiệp đã quy định và sẽ tiếp tục sửa đổi sắp tới. Chúng tôi mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản lắng nghe ý kiến của chúng tôi và cũng là nguyện vọng của tất cả thành viên Hội in thành phố Hồ Chí Minh.

 

    Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 10 năm 2014

                                                                     Hội in TP. Hồ Chí Minh

                                                                          Chủ tịch

                                                                     LÊ VĂN TRÒN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0981.285.286