Tham luận của Hội in Hà Nội tại hội thảo “Doanh nghiệp đóng góp hoàn thiện chính sách đối với hoạt động in”
10:59 Sáng – 22/10/2014
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO
“DOANH NGHIỆP ĐÓNG GÓP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG IN”
Để tham gia góp ý cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản của Nghị định số 60/2014/NĐ – CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ (Nghị định 60) quy định về hoạt động in và dự thảo Thông tư quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông do Cục Xuất bản, In và Phát hành xây dựng, Hội In Hà nội đã tập hợp ý kiến phản ánh của hội viên cũng như một số cơ sở in chưa là hội viên về các quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành. Tại hội thảo này, Hội In Hà nội xin có một số ý kiến tham góp như sau :
- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Từ trước đến nay in được xác định là ngành công nghiệp – ngành công nghiệp in, khác hẳn với hoạt động photocopy là hoạt động có tính dịch vụ dân sinh. Cơ sở photocopy hầu hết là các cửa hàng tư nhân, hộ kinh doanh, hoạt động photocopy không mang bản chất sản xuất của ngành công nghiệp. Vì thế kiến nghị Chính phủ là không đưa hoạt động photocopy là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 60 mà vẫn giữ cơ chế quản lý hoạt động photocopy như hiện nay. Quy định đối với hoạt động photocopy sẽ không khả thi.
Ý kiến này, Hội In Hà Nội cũng đã tham góp với ban soạn thảo từ khi đang xây dựng dự thảo Nghị định 60.
- Về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động in
Từ khi Luật Xuất bản 2014 có hiệu lực thay cho Luật Xuất bản 1993 thì hoạt động in được tách thành hai :
– Hoạt động in xuất bản phẩm được điều chỉnh bởi Luật Xuất bản;
– Và hoạt động in các sản phẩm khác được điều chỉnh bởi Nghị định 105/2007/NĐ – CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm.
Chính vì thế mà tại Thông tư số 123/2012/TT – BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 122/2011/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động in các xuất bản phẩm.
Trong khi đó phần thu nhập từ hoạt động in các sản phẩm khác phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội của đất nước lại không được hưởng chính sách này, vẫn phải áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%. Ví dụ như các tờ báo, tạp chí của các tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang, như các báo Nhân Dân, báo Lao Động, Phụ nữ, Tiền phong, báo Quân đội Nhân Dân, công an… Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng… các tờ báo là cơ quan ngôn luận của Thành ủy, Tỉnh Đảng bộ 63 tỉnh, thành phố, hay các báo là tiếng nói của các bộ, ngành v.v…
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ – CP ngày 19/6/2014 quy định :
“Có chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tiền thuê đất đối với hoạt động in phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ trọng yếu khác của đất nước theo quy định của pháp luật”.
Đây là quy định mới trong Nghị định 60/2014/NĐ – CP phù hợp với thực tế sản xuất của hoạt động in, là chính sách tạo sự công bằng đối với các sản phẩm in.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu sớm sửa đổi Thông tư số 123/2012/TT- BTC khi Nghị định 60 có hiệu lực.
- Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định thì phải rõ ràng cụ thể. Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn NĐ 60 có một số chỗ chưa được rõ. Ví dụ :
– Nên hướng dẫn câu : “của cơ sở in theo thẩm quyền” ở Khoản 1 Điều 3 Thông tư hướng dẫn khoản 4 Điều 5 Nghị định 60 giống như khoản 2 Điều 3 trong Thông tư hướng dẫn rõ là :”đối tượng tham gia hoạt động in tại địa phương”.
– Trong Thông tư quy định địa chỉ nhận báo cáo của các cơ sở chế bản, in, gia công sau in ở Trung ương là Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Xuất bản); ở địa phương là Sở Thông tin và Truyền thông. Đối với cơ sở dịch vụ photocopy quy định báo cáo với UBND cấp huyện (điểm c khoản 1 Điều 2) Vậy còn các cơ sở photocopy ở các Thành phố, quận thì gửi báo cáo về đâu, về sở hay quận?
– Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ phải tổng hợp và báo cáo hoạt động in tại địa phương với Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy cơ sở hoạt động photocopy không phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in ở địa phương cũng như ở trung ương.
- Về đăng ký hoạt động
Từ năm 2000, khi chưa có Luật Xuất bản 2004, khi Luật xuất bản 1993 vẫn có hiệu lực, Chính phủ đã có Quyết định bãi bỏ giấy phép hoạt động in đối với các cơ sở in bao bì. Đây là một cải cách lớn của Nhà nước trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động phù hợp với luật doanh nghiệp, đặc biệt là phù hợp với thực tiễn chuyển đổi cơ chế quản lý của Nhà nước.
Nghị định 105/2007/NĐ-CP ngày 21/7/2007 của Chính phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cũng chỉ quy định”Phải có Giấy phép hoạt động in khi tham gia in sản phẩm báo chí, tem chống giả”(điểm a khoản 3 Điều 5).
Vì thế kiến nghị Chính phủ bỏ Điều 14 trong Nghị định 60. Các doanh nghiệp này chỉ cần đăng ký kinh doanh như hiện nay để giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Vì đăng ký tuy không phải là xin cấp phép hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm hồ sơ, trình tự thủ tục xin xác nhận hoạt động gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không khác xin cấp phép hoạt động là mấy.
- Việc nhập khẩu thiết bị in.
Cũng theo chủ trương cải cách hành chính, giảm giấy phép con của Chính phủ, Nghị định 105/2007 quy định tại Điều 1.”Việc nhập khẩu thiết bị ngành in không phải xin phép trừ máy photocopy màu”. Cùng với việc bỏ giấy phép hoạt động in với các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (trừ báo chí, tem chống giả) thì việc bỏ Giấy phép nhập khẩu thiết bị ngành in (trừ máy photo màu) tại Nghị định 105/2007, Chính phủ đã tháo gỡ cho ngành in giảm được nhiều thủ tục hành chính, bỏ được nhiều giấy phép con mà nhà nước vẫn quản lý được. Hơn 7 năm thực hiện Nghị định 105/2007, hoạt động in các sản phẩm được bỏ cấp phép và hoạt động nhập khẩu thiết bị ngành in được vận hành suôn sẻ trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Ngày 9/8/2013 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị số 17/CT – TTg về tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Mục đích chỉ thị của Thủ tướng là tăng cường quản lý, kiểm soát có hiệu quả và kịp thời chấn chỉnh hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp, nhất là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện Đề án”Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”đã phê duyệt tại Quyết định số 929/QT – TTg ngày 17/7/2012. Chỉ thị 17 của Thủ tướng chính phủ yêu cầu các bộ, ban hành các quy định cụ thể để quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị theo chức năng quản lý nhà nước được phân công để đạt mục đích trên chứ chắc chắn Thủ tướng không yêu cầu tất cả thiết bị, máy móc nhập khẩu đều quay về cơ chế phải cấp phép nhập khẩu.
Vì thế hội In Hà Nội, kiến nghị bỏ cấp phép nhập khẩu với tất cả thiết bị ngành in như quy định tại Điều 17 Nghị định 60/2014/ NĐ – CP mà chỉ cấp phép nhập khẩu đối với máy photocopy màu như 7 năm nay đã thực hiện.
- Về dự thảo Thông tư Quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (Dự thảo Thông tư). Nhìn vào danh mục hàng hóa trong lĩnh vực in, như quy định tại Điều 5, thì tất cả hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực in hễ có mã số HS đều phải cấp phép nhập khẩu, không chỉ thiết bị mà cả bộ phận của thiết bị thậm chí có thứ hầu như ngành in không sử dụng từ lâu như đá in lito, vẫn để ở trong danh mục.
Hiện tại, Thông tư 20/2014/TT – Bộ KHCN ngày 15/7/2014 cũng đã tạm dừng thi hành. Vì thế Hội In Hà Nội kiến nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu xây dựng tại Thông tư này cho sát và phù hợp với thực tiễn.
- Nội dung góp ý dự thảo Thông tư của Bộ Thông tin Truyền thông về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP, ngoài nội dung Hội In Hà Nội đã góp ý trực tiếp về Nghị định 60, đề nghị khi ban hành Thông tư, Bộ Thông tin và Truyền thông nên hướng dẫn trên nguyên tắc hạn chế thủ tục hành chính, báo cáo trùng lắp, nhiều nội dung không thiết thực mang tính hành chính gây khó khăn khi thực hiện. Nội dung báo cáo nên thống nhất với các Bộ, ngành để doanh nghiệp công bố thông tin, giúp bộ chuyên ngành, Hiệp hội in Việt Nam.
Về hoạt đông in: nên quy định điều kiện cần thiết (là rào cản kỹ thuật) khi thành lập doanh nghiêp in, chủ yếu về vốn, diện tích mặt bằng, không nên quy định hình thức về số lượng tối thiểu của thiết bị, do tính đa dạng về chủng loại, chất lượng thiết bị in khác nhau.
Về quy định khoảng cách mặt bằng (Điều 6), nên gắn với định hướng quy hoạch ngành in. Hiện trạng, nên hướng dẫn và ban hành tiêu chuẩn và điều kiện an toàn và đảm bảo vệ sinh, môi trường đối với các doanh nghiệp đang hoạt động. Không cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp in hoạt động ở khu dân cư.Theo dự thảo,việc quy định chi tiết về khoảng cách từ thiết bị in đến khu dân cư là không khả thi, gây khó khăn phiền nhiễu cho doanh nghiệp in.
Cùng với định hướng dài hạn, Nhà nước nên sớm quy hoạch khu công nghiệp in,có chính sách thu hút doanh nghiệp in vào khu công nghiệp, như ưu đãi về mặt bằng, thuế đất, lãi vay nhằm khuyến khích các doanh nghiệp in đầu tư và di chuyển vào khu công nghiệp.
CHỦ TỊCH HỘI IN HÀ NỘI
Bùi Doãn Nề